Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực phòng chống sốt xuất huyết trong trường học

22/07/22 03:07:32 | Lượt xem: 3

- Bước vào mùa mưa là lúc muỗi sinh sôi nảy nở, vì vậy nhiều trẻ nhỏ dễ mắc sốt xuất huyết.

Việc vệ sinh khuôn viên trường học để phòng chống các loài muỗi, côn trùng ẩn náu luôn được các cơ sở giáo dục chú trọng.
Việc vệ sinh khuôn viên trường học để phòng chống các loài muỗi, côn trùng ẩn náu luôn được các cơ sở giáo dục chú trọng.

Từ thực tế đó, thời gian qua cùng với công tác phòng dịch Covid-19, các trường học trên địa bàn TPHCM đang tích cực triển khai các giải pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Chủ động

Năm nay mùa mưa tại TPHCM đến sớm hơn. Vì thế, các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn đã chủ động tăng cường các giải pháp vệ sinh trường lớp, nhất là phòng học để hạn chế muỗi, côn trùng. Trong đó giải pháp phổ biến là phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh sạch sẽ khuôn viên xung quanh trường, hay trong lớp học.

Một trong những đơn vị đang có cách làm hiệu quả, được phụ huynh rất đồng tình và nhiều trường học trên địa bàn tham khảo là Trường Mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ). Vào giờ ngủ của trẻ, những chiếc màn rộng, kích cỡ lớn được mang ra sử dụng, bảo đảm giấc ngủ an toàn, thông thoáng cho các cháu.

Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Bích Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh An, không phải đến thời điểm này, khi bệnh sốt xuất huyết hoành hành, các con mới được ngủ màn. Cách đây nhiều năm, nhà trường đã may số màn này để sử dụng trong những thời điểm xảy ra các loại dịch bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt hoặc đề phòng các loại côn trùng khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Hiện tại, những chiếc màn này đã phát huy tác dụng. Không chỉ cho trẻ nằm màn, trường đã hợp đồng phun thuốc diệt muỗi xung quanh khuôn viên, nhất là ở những nơi nhiều cây cối để bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ. Với những nỗ lực này, suốt những năm qua Trường Mầm non Thạnh An hầu như chưa có trẻ bị mắc bệnh sốt xuất huyết.

Tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh xung quanh khuôn viên để hạn chế muỗi và bọ gậy. Hàng ngày, sàn nhà đều được lau bằng các loại nước diệt khuẩn. Phòng học được xịt thuốc diệt côn trùng sau mỗi buổi học.

“Nhà trường tích cực phối hợp với trạm y tế địa phương để nắm tình hình các loại dịch, bệnh đối với trẻ, đặc biệt về mùa mưa này để chủ động phòng ngừa. Rất may là trong thời gian qua, toàn trường chưa có trẻ nào bị sốt xuất huyết. Ngoài ra, nhà trường luôn cùng với phụ huynh theo dõi sức khỏe của trẻ”, cô Hường nhân viên y tế Trường Tiểu học Lê Văn Việt cho hay.

Khuyến cáo từ bác sĩ

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm. Giai đoạn cao điểm của bệnh thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, dễ làm bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.

Tại các Bệnh viện Nhi ở TPHCM, từ đầu năm đến nay, số ca sốt xuất huyết khám và nhập viện tăng. Cụ thể tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tăng 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong hai tuần đầu tháng 4, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã điều trị gần 10 ca sốc sốt xuất huyết nặng. Có ca ngưng thở, ngưng tim trước nhập viện.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, từ Tết Nguyên đán đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 - 150 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, 10% trong số này phải nhập viện điều trị. Hiện Khoa Nhiễm của bệnh viện đang điều trị khoảng 60 trẻ mắc sốt xuất huyết. Trong đó có trẻ vừa mắc sốt xuất huyết nặng vừa mắc Covid-19. Những trường hợp này ghi nhận chủ yếu trẻ có cơ địa béo phì.

Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho hay, với các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm siêu vi, nhiễm trùng máu… hết sốt là mừng. Tuy nhiên, đối với sốt xuất huyết thì hết sốt mới đáng lo. Thông thường từ 5 - 7 ngày trở về sau, bệnh nhân hết sốt và chuyển sang giai đoạn nguy hiểm.

“Về dấu hiệu nhận biết, trong 3 - 4 ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, da niêm sung huyết (da nổi ửng đỏ), lạnh run, nhức mỏi… Từ 5 - 7 ngày kế tiếp, các triệu chứng giảm dần nhưng bắt đầu xuất huyết niêm mạc, như: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, có trường hợp nặng ói ra máu, đi ngoài phân đen, suy đa cơ quan… Đặc biệt, sốt xuất huyết suy đa cơ quan có tỷ lệ tử vong rất cao”, bác sĩ Phong cho hay.

Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Phong, đối tượng béo phì, bệnh nhân có bệnh mãn tính đi kèm như: Tiểu đường, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim… có nguy cơ diễn tiến bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm hơn. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có nguy cơ sinh non, sẩy thai. Vì vậy khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu, nghỉ ngơi và vệ sinh nơi ở thoáng mát.

“Đặc biệt, không sử dụng thức ăn màu đỏ đậm. Nếu bệnh nhân ăn thực phẩm màu đỏ, khi nôn ra thì dễ nhầm lẫn với máu. Hầu hết các ca sốt xuất huyết đều có diễn tiến thuận lợi và tự khỏi nhưng một số trường hợp diễn tiến phức tạp, dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi có các triệu chứng sốt xuất huyết, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc uống và điều trị tại nhà”, bác sĩ Phong nhấn mạnh.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết: “Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc đặc trị, thuốc chủng ngừa nên việc phòng bệnh cực kỳ quan trọng. Loại bệnh dịch này lây qua trung gian là muỗi vằn nên cần phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi chích bằng cách ngủ mùng, mặc áo quần dài, không chơi những nơi tối, ẩm thấp... Khi trẻ bị sốt hơn 24 giờ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xét nghiệm, dặn dò các dấu hiệu nặng để tái khám kịp thời”.