Rà soát thuận lợi, khó khăn thực hiện chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025

24/07/22 05:07:11 | Lượt xem: 15

- Ngày 22/7, tại Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 và tập huấn triển khai thực hiện dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Đến dự có T.S Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT); cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương và các báo cáo viên tham dự chương trình.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên. Rất nhiều hoạt động thông qua các đề án, chương trình được Chính phủ chỉ đạo và quan tâm.

Cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của ngành Giáo dục, ngành Y tế và các ban, ngành liên quan, trong thời gian qua, nhiều chương trình, đề án của ngành Giáo dục về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh nhìn chung đã mang lại hiệu quả, tác động tích cực, đặc biệt là đối với đối tượng nhà giáo, cán bộ quản lý, trẻ em, học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ làm công tác y tế trường học, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách.

Huy động được các nguồn lực trong xã hội, tranh thủ được sự đầu tư của các chương trình, dự án để đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động y tế trường học, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường các hoạt đồn thể chất cho trẻ em, học sinh…

Rà soát thuận lợi, khó khăn thực hiện chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 ảnh 1

Các đại biểu là lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương tham dự Hội nghị.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, bên cạnh những thuận lợi, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất đã được tăng cường, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 4659/QĐ-BGDĐT ngày 14/14/2021, Kế hoạch truyền thông Chương trình sức khỏe học đường. Các Sở GD&ĐT đã chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1660 của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát thuận lợi, khó khăn thực hiện chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 ảnh 2

Nhiều chương trình, đề án của ngành Giáo dục về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh nhìn chung đã mang lại hiệu quả và tác động tích cực.

“Chúng ta triển khai nội dung lớn nên phải hiểu được đầy đủ được những nhóm nội dung chính. Trong 7 giải pháp của Quyết định 1660, các giáo viên phải nắm rõ để triển khai. Và trong 7 giải pháp đều có những vấn đề lớn như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ sức khỏe cho học sinh, số hóa trong quản lý và sử dụng cơ sở vật chất…”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Thứ trưởng cho rằng, để thực hiện tốt chương trình, các sở ngành phải nắm rõ nhiệm vụ của mình để từ đó tham mưu cho UBND tỉnh, thành. Các Sở GD&ĐT cũng phải thấy rõ trách nhiệm của mình để tham mưu, triển khai đầy đủ, bài bản hiệu quả Chương trình sức khỏe học đường.

“Có 20 chỉ tiêu đưa vào chương trình, chính vì thế chúng ta phải bám sát, đồng thời đưa ra biện pháp tổ chức thực hiện nội dung chặt chẽ. Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai thì các địa phương phải cụ thể hóa chương trình. Để từ đó tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thực hiện”, Thứ trưởng đề nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe kế hoạch triển khai các hoạt động thực hiện Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2022-2025; kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh của ngành giáo dục giai đoạn 2022-2026, các nhiệm vụ trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh…