Nhiều giải pháp thiết thực đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh

24/07/22 05:07:34 | Lượt xem: 90

- Ngày 22/7, tại Đại học Quy Nhơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 và tập huấn triển khai thực hiện dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh.

Các em học sinh mầm non ăn trưa. Ảnh minh họa.

Các em học sinh mầm non ăn trưa. Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị, nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương trên cả nước đã có những chia sẻ về thuận lợi, khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, đề ra những giải pháp thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ học đường giai đoạn 2022-2025 và kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Trình bày tham luận của mình về công tác chăm sóc sức khỏe học đường tại tỉnh Đắk Lắk, thầy Bùi Xuân Lễ - đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho hay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan để tích cực thực hiện công tác giải quyết các chế độ chính sách nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho học sinh.

Cụ thể, 100% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe vào đầu năm học để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe (đo chiều cao, cân nặng đối với trẻ dưới 36 tháng tuổi; đo chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp tim, thị lực đối với học sinh từ 36 tháng tuổi trở lên…); 100% trường học tăng cường lồng ghép các nội dung về lựa chọn các sản phẩm thực phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, hợp vệ sinh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt phù hợp để nâng cao sức khỏe; đảm bảo nước uống, thức ăn chế biến hợp vệ sinh; 100% nhân viên làm việc tại các bếp ăn tập thể trong cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và an toàn vệ sinh thực phẩm...

Theo thầy Lễ, phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh có nhận thức đúng đắn về vai trò của chế độ dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể lực, tạo sự thích thú cho các em học sinh...

Bên cạnh những thuận lợi, vị đại diện ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng nêu ra một số khó khăn nhất định khi thực hiện chương trình. Cụ thể, với phần đông là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều học sinh lớp đến lớp 12 vẫn còn có thể trạng thấp bé, không đảm bảo sức khỏe để học tập. Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực, các nhà trường còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều giải pháp thiết thực đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh ảnh 1

Trẻ mầm non đang vui chơi.

“Vẫn còn cơ sở giáo dục chưa đảm bảo cơ sở vật chất, không đủ nhà đa năng, nhà thể chất để phục vụ giảng dạy môn Giáo dục thể chất, các khu giáo dục thể chất còn thiếu hoặc chưa đáp ứng yêu cầu”, đại diện ngành GD&ĐT tinh Đắk Lắk nêu.

Đối với vấn đề về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học ở tỉnh Đắk Lắk, 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khoá, hoạt động ngoại khoá; 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định. 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng đề ra những giải pháp thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ học đường giai đoạn 2022-2025, trong đó ưu tiên và đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất, bố trí trang thiết bị để bảo đảm điều kiện dạy và học, nâng cao chất lượng công tác sức khoẻ học đường, nhất là y tế và bữa ăn học đường đối với các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường cơ chế phối hợp, kết nối giữa trường học và gia đình trong hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh. Có biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán dinh dưỡng, về mối quan hệ hữu cơ giữa chế độ dinh dưỡng và phát triển thể chất của học sinh thuộc đối tượng yếu thế, chuyên biệt. Xây dựng nội dung giáo dục về chế độ dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn bán trú, nội trú và các hoạt động thể chất phù hợp cho các đối tượng trẻ em, học sinh...

Nhiều giải pháp thiết thực đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh ảnh 2

Thầy Bùi Xuân Lễ - đại diện ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk nêu ý kiến tại Hội nghị.

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, hiện tỉnh có 742 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Toàn tỉnh có 107 trường có cấp tiểu học, 100% trường mầm non tổ chức ăn bán trú cho trẻ em, học sinh.

Bà Trần Bích Vân – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình cho hay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe học đường còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ và cơ sơ vật chất của tỉnh còn nhiều khó khăn.

Đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe học đường tại cơ sở giáo dục còn thiếu về số lượng, một bộ phận chưa đảm bảo chất lượng. Đội ngũ cán bộ y tế trường học đa số các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, chưa có cán bộ y tế học đường chuyên trách...

Triển khai cụ thể, sâu sát hơn trong thực hiện chương trình

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, tuy rất cố gắng nhưng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khi thực hiện chương trình. Chính vì thế, đề nghị các thầy cô giáo có tham mưu với UBND tỉnh, thành phố để triển khai cụ thể, sâu sát hơn trong thực hiện chương trình.

Để triển khai có hiệu quả chương trình sức khỏe học đường trong giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng đề nghị phải tích cực thực hiện các tiêu chí đề ra để hoàn thành mục tiêu, vì vậy, đề nghị ngành giáo dục các địa phương quán triệt sâu rộng một số nội dung.

Cụ thể, tiếp tục quán triệt và chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch để chỉ đạo triển khai nhiệm vụ giải pháp trong chương trình sức khỏe học đường tại các địa phương. Thứ hai là tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho học sinh và nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để phụ huynh, học sinh được biết.

Nhiều giải pháp thiết thực đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh ảnh 3

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu kết luận tại phiên thảo luận của Hội nghị.

“Tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp cho phù hợp với kinh tế và quy mô từng địa phương”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị.

Bên cạnh đó, tạo cơ chế để khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện, giải pháp của chương trình. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo tại địa phương, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở vật chất, y tế trường học và chăm sóc sức khỏe cho học sinh...

“Đề nghị thầy cô tham mưu UBND tỉnh, thành phố, bố trí nguồn lực, ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Bởi vì hiện nay nhiều cơ sở vật chất của các trường còn nghèo nàn, lạc hậu. Đồng thời, lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu về giáo dục và dự án khác mà đã được phê duyệt”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.