Tiếp nhận hỗ trợ 930 triệu từ Hiệp hội nhựa TP HCM.
Ngày 8/8, tại TP Buôn Ma Thuột, Sở GD&ĐT Đắk Lắk phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các đơn vị liên quan đã tổ chức lễ tiếp nhận 930 triệu đồng tiền hỗ trợ để xây dựng bể bơi cho các trường học vùng khó trên địa bàn tỉnh.
Tham dự buổi lễ có TS. Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD*ĐT; bà Ayun H’ Hương - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh; ông Võ Văn Hoàng Minh - Trưởng Ban Từ Thiện Hiệp hội nhựa thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo các trường học thụ hưởng nguồn kinh phí.
Về phía nhà tài trợ, có ông Lê Ngọc Tú – Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh và gia đình.
|
TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ.
|
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Đỗ Tường Hiệp thay mặt lãnh đạo ngành GD&ĐT tỉnh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân đã luôn đồng hành, sát cánh và sẻ chia khó khăn với Ngành trong suốt thời gian qua.
“Thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã phối hợp cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội ở một số địa phương còn nhiều khó khăn, địa bàn phân bố quá rộng và nhiều địa phương giao thông, thông tin liên lạc chưa thực sự thuận lợi. Vì vậy, nhiều gia đình ít có điều kiện cập nhật kiến thức, kỹ năng về phòng tránh đuối nước, dẫn đến nhiều vụ việc hết sức thương tâm. Có những vụ đuối nước tập thể, trong đó hầu hết là anh chị em ruột thịt hoặc bà con thân thích”, TS. Hiệp thông tin.
|
Ông Lê Ngọc Tú trao biển tượng trưng hỗ trợ 6 bể bơi trị giá 930 triệu đồng cho 6 trường học của Đắk Lắk.
|
Cũng theo TS. Hiệp, thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp giáo dục, dạy bơi cho học sinh nói riêng và thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh nói chung. Trọng tâm chương trình dạy bơi miễn phí sẽ là các địa phương vùng khó, vì ở đây không có điều kiện để thực hiện xã hội hoá bơi lội.
Còn theo ông Lê Ngọc Tú, sở dĩ ông và Hiệp hội nhựa Thành phố Hồ Chí Minh chọn Đắk Lắk để hỗ trợ vì qua báo chí, ông biết được nhiều vụ tai nạn đuối nước quá thương tâm.
“Có vụ cả 3 đứa con trong cùng một gia đình bị chết đuối, có gia đình chỉ có 2 đứa con mà cũng chết đuối cả 2… Đọc báo mà tôi thấy xót xa quá. Vì vậy, chúng tôi chọn Đắk Lắk là một trong những địa phương trọng điểm trong hành trình mang bể bơi về các trường học.
Mong rằng, các nhà trường, các cơ quan quản lý cần phối hợp làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, triển khai dạy bơi thật hiệu quả để không chỉ học sinh mà thanh thiếu niên trên địa bàn cũng biết bơi. Cứ 3 tháng 1 lần, nhà trường báo cáo kết quả sử dụng bể bơi, đã dạy được bao nhiêu cháu học sinh và thanh thiếu niên biết bơi cho nhà tài trợ. Chúng tôi sẽ có phần thưởng cho các trường làm tốt dạy bơi dựa trên kết quả thực tế”, ông Tú nói.
|
Ông Lê Ngọc Tú phát biểu tại lễ trao hỗ trợ bể bơi cho ngành Giáo dục Đắk Lắk.
|
Ông Tú cũng trăn trở: “Ngoài sự hỗ trợ của nhà tài trợ, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương. Bởi chỉ có chính quyền địa phương mới quyết định được những vấn đề quan trọng như nguồn kinh phí bảo trì, sửa chữa; kinh phí bảo vệ; kinh phí cho giáo viên dạy bơi... Nếu UBND các huyện không quan tâm thì rất khó để khai thác hết công dụng. Vì thực tế ở nhiều địa phương, ngành GD chỉ quản lý chuyên môn thôi. Nhà tài trợ thì sợ nhất, sau khi tài trợ rồi lại không có kinh phí bảo dưỡng, duy trì hoạt động của bể bơi”.
Tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Tú, thay mặt Hiệp hội nhựa Thành phố Hồ Chí Minh đã trao 930 triệu đồng tương đương 6 bể bơi theo quy chuẩn quốc tế. Trị giá mỗi bể bơi là 155 triệu đồng.
Theo đó, có 6 trường học thuộc 3 huyện được thụ hưởng từ chương trình gồm: Krông Pắc, Krông Năng và Cư M’Gar.
Cũng theo đề nghị của Hội Chữ thập đỏ tỉnh và nhà tài trợ, các bên cũng đã thống nhất đề nghị UBND các huyện nói trên hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động, bảo trì cho mỗi bể bơi là 3 triệu đồng/ 1 tháng.
|