Cha mẹ không nên rời tầm mắt khỏi trẻ. Ảnh minh họa.
Thiếu kỹ năng sống, kỹ năng tồn tại là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ tử vong do đuối nước. Đặc biệt, nhiều cha mẹ nghĩ rằng, cứ cho trẻ em học bơi là con mình sẽ không bị đuối nước.
Tỷ lệ đuối nước cao
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm, có trên 600 nghìn trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. 2/3 trường hợp xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Riêng tại Việt Nam, đuối nước cướp đi mạng sống của hơn 2.000 trẻ em mỗi năm, chiếm trên 45% số trẻ tử vong do tai nạn thương tích trên cả nước. Số ca trẻ tử vong do đuối nước tăng mạnh từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Bởi, đây là giai đoạn nghỉ hè, trẻ vui chơi không có sự giám sát của nhà trường. Đặc biệt, khi thời tiết nắng nóng, trẻ thường rủ nhau ra ao, hồ, sông, suối, biển… tắm mát.
Không có sự giám sát của người lớn, nhiều trẻ đã đuối nước và không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp gần đây là bé trai 10 tuổi ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Trẻ bị đuối nước khi tập bơi cùng 4 bạn trong xóm. Do tất cả đều chưa biết bơi nên thấy bạn bị đuối nước, các bé chạy đi tìm người cứu. Khi bé được vớt lên thì đã tím môi, ho nhiều và thở nhanh.
Bé được đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu trong tình trạng chỉ số oxy trong máu (SpO2) xuống thấp 80 - 85%. Bác sĩ chẩn đoán đuối nước có phù phổi cấp, suy hô hấp độ 3. Kíp cấp cứu đặt nội khí quản, cho bé thở máy, điều chỉnh rối loạn điện giải, kháng sinh. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.
Từ giữa tháng 4 đến nay, khi Covid-19 tạm lắng, tiết trời chuyển nắng nóng, nhiều trẻ ra sông, hồ bơi và gặp nạn. Trước đó vào tháng 5, ba học sinh lớp 3 ở Hà Nội tắm ở đập nước thuộc xã Đồng Thái, huyện Ba Vì đã tử vong do đuối nước.
Ngày 11/4, ba học sinh lớp 4, 5 và 8 ở Đắk Lắk tử vong khi đi bắt ốc ở ao. Cơ quan chức năng nhận định một em bị trượt chân. Sau đó, hai em còn lại ra cứu và cùng bị đuối nước.
Trước đó một tuần, 5 nữ sinh lớp 6 Trường THCS Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa tử vong khi tắm sông. Bốn nữ sinh THCS Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu đuối nước khi chơi đùa ở hồ thủy lợi Suối Các.
Tình trạng trẻ không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở sông, suối, ao, hồ được coi là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ. Ngoài ra, khi cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước, nhiều trẻ đã tử vong.
Hiện nay, ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi - những nơi có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao vào mùa hè, các em đều được học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè. Tuy nhiên, những trẻ này thiếu các kiến thức, kỹ thuật bơi căn bản, chẳng hạn như khởi động kỹ trước khi bơi… Vì vậy, khi gặp những tình huống bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường thấy lúng túng, không biết xử lý, dẫn đến tình trạng tử vong.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh không chú trọng tới việc dạy trẻ những kỹ năng phòng chống đuối nước. Vì vậy, các em không biết rằng, cần tránh xa khu vực bãi bồi dễ sụt lún, những khu vực có nước chảy xiết vào từng thời điểm, hoặc lưu ý đến biển cảnh báo, biển cấm tại khu vực nguy hiểm.
|
Trẻ cần khởi động kỹ trước khi bơi. Ảnh minh họa.
|
Thiếu sự giám sát của cha mẹ
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Nếu được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể qua cơn nguy kịch.
Tuy nhiên, trẻ đuối nước có thể gặp biến chứng nặng nề như suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài. Hoặc, thậm chí trẻ có thể tử vong. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật khi trẻ bị đuối nước là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ.
“Trong quá trình sơ cứu đuối nước, cần tránh các sai lầm thường gặp như dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn nước ra. Việc vác chạy sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc”, TS.BS Lê Ngọc Duy cảnh báo. Để giảm tai nạn đuối nước, khi đưa trẻ về quê hay đi du lịch, đến môi trường mới, cha mẹ cần nhắc con mình không chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, kênh rạch… Bởi, đây là những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ huynh không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát. Đồng thời, cần đậy kín các chum vại nước xung quanh nhà. Không cho trẻ chơi gần ao hồ. Trẻ cũng cần tập bơi để tránh những tai nạn không mong muốn.
Khi đến hồ bơi, trẻ nên đi cùng người lớn. Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ. Đặc biệt, cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
Trẻ lớn cần được giáo dục tại trường học và gia đình về các nguy cơ tai nạn thương tích, cách phòng tránh. Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), 70% trẻ đuối nước diễn ra vào bất kỳ mùa nào, có thể không liên quan việc tắm biển, tắm sông... Các biện pháp để phòng tránh đuối nước ở trẻ là trông coi trẻ kỹ, rào kín lại ao, bể, bể bơi. Luôn để trẻ trong tầm mắt. Trong trường hợp cần dùng phao, nên cho trẻ mặc áo phao. Không dùng thân chuối, lốp xe, can nước... làm phao cho trẻ.
Với trẻ từ 4 tuổi trở lên, bố mẹ nên cho bé đi học bơi. Trẻ ở độ tuổi này đã đủ khả năng nhận thức để tham gia các lớp học kỹ năng bơi sinh tồn, đảm bảo an toàn khi xuống nước.
|
Trẻ nên được học về kỹ năng sinh tồn dưới nước. Ảnh minh họa
|
Kỹ năng bơi tự cứu
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), để phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ, cần dạy các bé kỹ năng sinh tồn, bơi tự cứu. Cụ thể, kỹ năng này có 4 bước. Bước 1 và 2 là dạy trẻ tập nín thở, lặn nước trong thùng phuy trên cạn. 2 bước sau là dạy trẻ phương pháp bơi đứng nước, trồi lên ngửa mặt lấy hơi rồi cuối cùng là bơi trườn sấp, bơi ếch và kỹ năng hồi sức tim phổi...
“Trong 4 nguyên nhân chính khiến hơn 2.000 trẻ bị chết đuối mỗi năm, chỉ có một nguyên nhân là do trẻ không biết bơi. Bơi không phải chỉ là bơi lội phổ thông, mà còn là kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hầu hết bị chết đuối trong chum vại, bể nước, giếng khơi, hố rãnh quanh nhà… do sự bất cẩn hoặc vô ý thức của cha mẹ. Chỉ cần sơ sẩy một chút là em bé lẫm chẫm vào nhà tắm chúi đầu vào xô chậu, chum vại nước. Chỉ 2 phút là trẻ có thể bị tử vong do ngạt nước”, bác sĩ An cảnh báo.
Theo chuyên gia này, nguyên nhân đầu tiên là gia đình bất cẩn, thiếu ý thức và thiếu kỹ năng bảo vệ con cũng như phòng tránh đuối nước. Lý do tiếp theo là môi trường mất an toàn. Nguyên nhân khác là vì trẻ em thiếu kỹ năng sống, kỹ năng tồn tại khi rơi xuống nước. Trong đó, có kỹ năng bơi lội. Đặc biệt, nhiều cha mẹ nghĩ rằng, cứ cho trẻ em học bơi là có thể không bị đuối nước.
“Trách nhiệm cha mẹ rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Đa số trẻ nhỏ bị đuối nước ngay trong khuôn viên ngôi nhà của mình - từ chum vại, bể chứa nước không có nắp đậy đến cống rãnh, ao hồ không có rào chắn, tường bao an toàn”, bác sĩ An chia sẻ.
Ông nhận định, bơi lội chỉ là một trong các giải pháp phòng chống đuối nước và áp dụng ở trẻ từ 7 - 8 tuổi trở lên. Trong khi đó, nhiều trẻ lớn thiếu kỹ năng phòng chống đuối nước, đặc biệt là bơi tự cứu. Đây là một trong những kỹ năng sinh tồn ở môi trường nước.
“Quy định bắt buộc các khu du lịch, vui chơi có nước là phải có người giám sát và đủ phương tiện cứu hộ. Trẻ xuống nước vui chơi, không chỉ là biết bơi lội phổ thông, mà còn kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước, như nín thở - ngụp lặn, trồi người, đứng nước và kỹ năng cứu đuối. Vì có nhiều em thiếu các kỹ năng trên, nên mới biết bơi được hơn chục mét đã chủ quan.
Khi xảy ra sự cố như tụt chân xuống hố nước đột ngột, chuột rút, bị bạn dìm, túm bám..., trẻ đã không biết cách xử trí. Hoặc, nhìn thấy bạn bị đuối nước đang vùng vẫy là nhảy ào xuống cứu, bị bạn ôm chặt cứng lấy. Bạn bị bất tỉnh nhưng không biết cách bơi dìu vào bờ, không biết cách hồi sức tim phổi… và có thể chết chùm cả 2 - 3 trẻ”, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết.
|